Thấy bưu điện mới về một lô tem, cô bèn mua mỗi loại một con, biết đâu sau này có thể làm bảo vật gia truyền.
Lúc ra khỏi bưu điện, một người phụ nữ đi ngược chiều, mồm miệng không ngừng nói với người phía sau, chẳng thèm nhìn đường, Từ Nhân phải vội vàng lùi lại mới tránh được một cú va chạm.
Thế mà đối phương vẫn léo mồm: "Đi đứng kiểu gì đấy, mù à?"
Từ Nhân: "..."
Rốt cuộc là ai không có mắt?
"Thôi nào chị, chuyện quan trọng hơn."
Gã đàn ông trung niên mặt rỗ đứng cạnh người phụ nữ thúc giục.
"Người ta hẹn hai giờ rưỡi gặp mặt, đến muộn kẻo họ đánh giá." Nói rồi bà ta lại hỏi,"Mà sao Vân Tĩnh không đến? Không phải bà định cho hai đứa nó gặp mặt xem mắt đấy chứ? Vân Phi không đến thì thôi, sao Vân Tĩnh cũng không đến? Người ta muốn gặp mặt mà."
"Tôi có bảo con bé đừng đến đâu, cái tính cháu gái ông, ông còn lạ gì nữa, cứng như đá ấy. Nó nhất định không chịu, còn nói cho dù có bán nó đi lấy vợ cho A Phi, cũng phải để nó tự chọn. Bực chết tôi mất..."
Hai người vừa đi vừa càm ràm, khuất dần.
Từ Nhân đứng ngơ ngẩn tại chỗ hồi lâu.
Vân Tĩnh? Vân Phi? Chẳng phải là nữ chính và người anh trai tàn tật của cô ta trong nguyên tác hay sao?
Từ Nhân kinh hãi: Trời đất ơi! Cốt truyện đã đi đến đây rồi sao?
Nữ chính bị gia đình ép đi xem mắt đổi dâu, nhưng cô ta chướng mắt đối tượng xem mắt.
Cũng đúng, nếu đối phương không ngốc nghếch, lại còn tuấn tú lịch sự, thì cũng chẳng đến lượt bị trói buộc với em gái trong nhà để đổi dâu.
Nhưng Chu Vân Tĩnh mà không chịu gả, thì nhà họ Chu lấy đâu ra tiền cưới vợ?
Chu Vân Phi tay tàn tật, diện mạo cũng chẳng ra sao, mà lòng tự trọng lại cao ngất, nhất định phải cưới được cô vợ xinh đẹp nết na, tiếng lành đồn xa mười dặm tám thôn.
Bố mẹ Chu Vân Phi lại hết mực cưng chiều con trai, bằng không cũng không nỡ lòng nào hy sinh hạnh phúc cả đời con gái để đổi lấy một cô con dâu tốt cho con trai.
Trong truyện, Chu Vân Tĩnh cũng phản kháng kịch liệt như vậy, kiên quyết không gả cho đối tượng xem mắt, nói đây là tư tưởng phong kiến lạc hậu, cho dù gia đình có dùng hai chữ "Sinh thành" để bán cô ta đi, thì người mua cũng phải để cô ta tự chọn.
Nói thật lòng, nếu nữ chính không liên quan gì đến mình, Từ Nhân rất bội phục dũng khí dám đối đầu với cha mẹ trong hôn nhân bao biện của cô ấy.
Nhưng bây giờ thì khác, cô chỉ muốn tránh xa ra.
Chỉ sợ vầng hào quang nữ chính quá chói lọi, cốt truyện vất vả lắm mới lệch khỏi quỹ đạo, lại bị kéo về chỗ cũ.
Nghĩ đến số phận bi thảm của chị dâu trong truyện, hai đứa cháu bị hại chết, bản thân bị biến thành bia đỡ đạn, bố mẹ tóc bạc tiễn đầu xanh... Chỉ nghĩ đến thôi đã sởn hết gai ốc, tim đập chân run.
Nếu chuyện đó thật sự xảy ra, có khóc cũng chẳng kịp.
Cô vỗ vỗ mặt, cố gắng giữ bình tĩnh.
Tự nhủ lòng mình: Nhất định sẽ không sao đâu! Chị dâu mang thai rất khỏe mạnh, khi nào gần đến ngày sinh thì đón chị ấy đến huyện thành, vào bệnh viện sinh con, chắc chắn sẽ không khó sinh. Chỉ cần chị dâu bình an, Chu Vân Tĩnh sẽ không gả cho anh cả được, mọi chuyện sau đó cũng không xảy ra.
Nghĩ vậy, cô liền quay người đi thẳng đến bưu điện, tiện tay viết thêm một lá thư cho anh cả.
Trong thư có nói chị dâu mang thai rồi, dự sinh vào cuối năm, nếu được nghỉ phép thì anh cả nhớ về thăm nhà.
Còn có bưu phẩm là do chị dâu chuẩn bị, áo sơ mi, cổ áo giả là chị ấy tự tay may, tương ớt là chị ấy tự tay xào, dưa muối là chị ấy tự tay muối...
Uống nước nhớ nguồn, ăn của chị dâu thì phải luôn ghi nhớ công ơn của chị ấy!
Từ Chí Niên sau khi nhận được thư và bưu phẩm, trong lòng vô cùng cảm động.
Sau khi kết hôn, rất nhiều đồng nghiệp đều nhận được bưu phẩm người nhà gửi đến, chỉ có anh là chưa từng.
Từng có khoảng thời gian, anh cho rằng bố mẹ chỉ thương em gái mà không thương mình, tiền lương hàng tháng anh gửi về, bố mẹ chỉ nhớ đến việc mua vải may quần áo cho em gái, mà chẳng nhớ nổi gửi cho anh thứ gì, cho dù chỉ là quả ớt trồng trong vườn phơi khô, hũ tương tự tay kho, củ cải phơi khô, anh cũng chưa từng nhận được.
Không phải anh muốn mặc quần áo mới, muốn ăn tương ớt củ cải khô, mà là... Phải nói thế nào nhỉ, anh cũng mong mỏi được nhận bưu phẩm người nhà gửi đến, cho dù giá trị bao nhiêu cũng được.
Bây giờ rốt cuộc anh cũng được như ý nguyện.